Vì lượng người qua đò quá đông, mà sức chở của đò chỉ được 12 người, nên để không muộn giờ vào lớp, các em phải tranh thủ đi sớm. Sang bên kia sông Ngàn Sâu, có khi các em đợi 2 tiếng đồng hồ mới đến giờ vào lớp.
Ngàn Sâu, cái tên thoảng nghe thấy mỹ miều đã từng ngân vang trong lời ca, câu hát nhưng ẩn đằng sau lại đầy nỗi nhọc nhằn. Dẫu chẳng sâu đến độ ngàn, nhưng cũng đã bắt bao thế hệ học sinh phải “luỵ đò” ngày ngày sang sông để học chữ làm người. Ngăn sông cách chợ đã khiến cho các cháu phải chậm chân mỗi giờ vào lớp, nên cũng chỉ “học mót” được chữ đực chữ cái, vì nó cũng đã rơi xuống sông ít nhiều rồi, nên bao đời nay, thành tích học tập của các cháu bên sông vẫn còn ít ỏi lắm…
Học sinh này rơi cả dép khi giành một suất "lên đò"...
“Đốt đuốc” đến trường trên những chuyến đò đầy bất trắc
Chúng tôi về bến đò Rộc Lội ở xã Phương Mỹ (huyện Hương Khê - Hà Tĩnh) trong một chiều đông rét cắt da cắt thịt. Đồng chí Hồ Xuân Quế, Trưởng Công an xã Phương Mỹ vừa giúp dựng lại những chiếc xe đạp không phanh, không cả gác-đờ-bu vứt chỏng chơ trên triền đê hun hút gió, vừa phân bua: của các cháu học sinh đấy. Xã nghèo, nhưng nhiều cháu có tới hai chiếc. Một chiếc để ở nhà, cứ sáng sáng đạp xe ra bến sông, vứt lại đó rồi xuống đò, sang bờ bên kia lại lấy chiếc xe để sẵn đi đến trường, để rồi khi về lại đổi “xế”.
Không có nhà trông giữ, phơi mưa phơi nắng nên xe nào cũng cũ rếch, chỉ cần đủ 3 bộ phận gồm ghi đông, bánh xe và bàn đạp là tốt rồi. Con nhà nghèo vốn chịu khó, hơn nữa ai cũng giống ai nên dù xe vứt trên đê không ai trông đấy, nhưng chưa xảy ra mất mát lần nào.
Là điểm trũng nhất của Huyện Hương Khê, cũng là “rốn lũ” của tỉnh Hà Tĩnh, sông Ngàn Sâu chảy qua xã Phương Mỹ tuy không quá rộng nhưng cũng đủ chia cắt xã làm hai nửa. Đôi bờ cách trở, 5 xóm bên kia sông muốn sang bên này phải đi qua một con đò ngang trên bến Rộc Lội.
Cùng với cuộc mưu sinh của bà con nông dân, 300 học sinh hàng ngày phải đi học bằng đò ngang trên sông Ngàn Sâu nước xiết, dài 11km trên địa bàn xã. Để được sang sông học chữ, ngày ngày các em phải dậy từ 4h sáng, cầm đèn pin dò dẫm đi khi đêm vẫn còn giăng tối trên miền rừng núi. Mùa hè còn đỡ vì xuất phát từ nhà lúc 4h sáng, thì chỉ cần khoảng hơn 30 phút sau là trời đã tang tảng sáng, nhưng mùa đông, nhất là những ngày mưa dầm gió bấc, tới 6h sáng, những chuyến đò đầu tiên đã sang sông, thì trời vẫn còn mù mịt tối.
Vì lượng người qua đò quá đông, mà sức chở của đò chỉ được 12 người, nên để không muộn giờ vào lớp, các em phải tranh thủ đi sớm. Sang bên kia sông, có khi đợi 2 tiếng đồng hồ mới đến giờ vào lớp, nhiều em nhỏ ngồi gục đầu ngủ gật, mặc cho muỗi bay như trấu. Nắm xôi trắng hay bát cơm nguội lèn chặt mang theo để ăn nguội ngơ nguội ngắt.
Thương nhất là các em nhỏ mới vào lớp 1, niềm vui tựu trường đúng "ngắn tày gang", nhiều em sáng mai được bố cõng đến bến đò mà cứ ngủ gật trên lưng.
Cô Nguyễn Thị Phúc, giáo viên trường THCS Tùng Sơn kể: vào giờ cao điểm, các cháu lớn nhanh chân giành hết chỗ, các cháu nhỏ dù có muộn cũng phải đợi chuyến sau. Những cũng không trách các cháu đó được, vì nếu đến muộn quá, không những bị quở trách mà nhiều khi còn bị dở bài học. Cũng theo cô Phúc, chính vì quá vất vả, bất tiện trong việc đi lại nên kết quả học tập của các em ngày ngày phải qua đò bao giờ cũng thấp hơn các em ở bên kia bờ, mặc dù các em rất hiếu học. Thế mới có chuyện, số học sinh đậu đại học, cao đẳng hàng năm thường rơi vào các em không phải qua đò.
Chúng tôi đứng đợi đò khoảng 2 tiếng đồng hồ trong chiều đông tê tái thì đến giờ tan lớp. Từng đoàn học sinh ùa từ trên dốc xuống bến đò Rộc Lội. Học sinh quê miền núi nghèo không có đồng phục, ai có gì mặc nấy. Những chiếc áo bông cũ mềm, những chiếc quần ngắn lộc ngộc để lộ cả cẳng chân đen đúa, gầy gầy, những gót chân, móng chân vàng úa, những bàn tay còn bé đã sớm chai sạn, nứt nẻ vì phải cào bới trên đồng. Thậm chí, nhiều em không đủ áo rét, mặc độc một chiếc áo sơ-mi trắng đã ngả màu cháo lòng bên ngoài một chiếc áo phông cộc tay.
Để giành một suất lên đò đầu tiên, tranh thủ về còn giúp mẹ làm nốt những công việc nông vụ cuối ngày, nhiều em phải ùa xuống đứng dầm chân trong nước giá, mặc cho những đôi chân tím ngắt vì lạnh. Khi đò vừa cập bến, các em tranh nhau lên trước, khiến cho con đò chòng chành chực lật. Bà lão chèo đò tên Đức phải yêu cầu các em xuống bớt mới chịu cho sang sông, nhưng nhiều em vẫn luyến tiếc không chịu rời đò.
Tiếng là đò chở được 12 người, nhưng chuyến đò chúng tôi chứng kiến thì không dưới 50 em học sinh, mà không có bất kỳ một em nào có áo phao để mặc. Bà Đức phân trần: Trước đây bà vẫn để mấy chiếc áo phao trên đò, nhưng sau dần, bà dọn bớt đi để đỡ mất diện tích cho các cháu khi chen chân...
Con đò lúc nào cũng "lặc lè" người...
Người thương binh nặng nợ với con đò
Đứng trên bến đò suốt cả một buổi chiều, chúng tôi ngạc nhiên vì dường như người lái đò không có một phút nào được ngơi tay. Không chỉ ngày hai buổi học sinh đến trường mà mọi sinh hoạt thường nhật của hàng nghìn hộ dân trong xã như làm đồng, đi chợ, đi lễ cũng phải phụ thuộc vào con đò duy nhất. Vào mùa làm đồng, nhiều gia đình phải từ bên này sông mang cày, bừa, giống, phân sang gieo trồng. Mang đồ vật nặng đã khó, nhưng cái khó nhất là đưa trâu sang sông trong tiết trời đông giá lạnh.
Đang vụ thu đông nên anh Nguyễn Văn Thuận (xóm 5)- xã phương mỹ vẫn phải dong trâu sang cày ruộng. Trời quá lạnh nên trâu nhất định không chịu xuống nước. Phải lấy gậy vụt cho mấy cái, anh Thuận mới cùng chúng tôi xuống đò. Thế nhưng, quá ngán cảnh lội qua con sông rộng, chú trâu to đùng cứ nhất định quay cổ vào bờ, kéo theo con đò chòng chành chao đi chao lại như muốn lật. 30 phút trôi qua, con trâu vẫn không chịu bơi ra dòng nước. Anh Thuận ngán ngẩm: Cứ mỗi vụ thu đông, con trâu của anh lại mất đi cả yến thịt vì phải lội sông trong rét mướt. Vì thế, sức kéo cũng giảm bớt đi…
Công việc chèo đò vất vả là thế nhưng thù lao mỗi tháng chỉ xấp xỉ 1 triệu đồng nên hầu như không ai chịu nhận. Trước đây, cũng đã từng có một vài người nghĩ thương cảnh con em qua đò nên ra chèo thử. Sông sâu, gió cả, hầu hết những người đó đã "ngã tay chèo", họ làm việc một thời gian rồi lặng lẽ rút lui. Chỉ có một người thương binh già Nguyễn Văn Đức, năm nay gần cái tuổi thất thập, với sức bền bỉ và lòng kiên định của người lính đã quyết tâm bám trụ ròng rã 10 năm nay.
Ngày nắng cũng như ngày mưa, sáng sáng chiều chiều, ông lão lại vác mái chèo ra bến. Sáng, ông dậy từ 4h sáng, ăn bát cơm nguội rồi lên đường. Từ nhà ra bến sông dài khoảng 3km, ông đạp xe men theo triền đê, chiếc đèn pin buộc vào ghi đông xe, loang loáng trong đêm tối. Trưa, cứ quá tầm 12h, bà Đức, vợ ông, lại mang cơm ra cho ông, ngồi dưới bến đò nhai bóng râm.
Tuổi già nay ốm mai đau, cũng có những ngày ông không cất nổi mình để ra bến, thế là bà lại lóc cóc vác mái chèo thay ông. Hai ông bà bằng tuổi, dù sức phụ nữ không được dẻo dai cho lắm, bà vẫn miệt mài chèo lái. Chuyến đầy, chuyến vơi, nhưng con nước thì không thay đổi, chỉ có chiều gió, nhiều khi tai ương xô đò xuôi dòng thì vất vả hơn. Học sinh đi học còn có ngày thứ 7, chủ nhật, những người dân đi lễ, đi chợ còn có buổi, có ngày. Còn nghề chèo đò thì không có ngày có tháng, vì cả làng, cả xã, có bao nhiêu con người, thì có từng đó lý do để qua sông.
Nhiều khi mệt rã rời, muốn nghỉ, nhưng không thể không chèo vì nghĩ thương cho sự ngăn sông cách chợ của những người thôn quê xã Phương Mỹ. Đặc biệt là các thế hệ tương lai, nếu như một ngày ông, bà nghỉ chèo đò thì coi như ngày đó, gần 300 học sinh không đến lớp, đồng nghĩa với việc thất học. Thế nên, ông bà lại tự nhủ với lòng mình là phải cố.
Chờ đò...
40 năm, mơ về… một cây cầu
Lo cho các con, các cháu, cứ chiều chiều, các cụ trong làng lọ mọ chống gậy ra bến sông chờ các cháu đi học về. Trong cái lạnh tê người của chiều đông miền núi, ông Mai Văn Chiêm, năm nay đã gần 70 tuổi đứng co ro trong chiếc áo bông đã sờn hết mép, đôi mắt mờ đục nhìn về xa xăm. Ông Chiêm kể: Nhà ông vốn ở bên này sông, nhưng lớn lên, khi xây dựng gia đình, ông đã cùng vợ sang sinh cơ lập nghiệp bên kia dòng sông Ngàn Sâu xanh mát. Ngày đi học, quê hương vẫn còn vương khói súng, khắp cả đất nước, nơi đâu cũng khó khăn, gian khổ, nên những lần bơi qua sông đến lớp bình dân học vụ đối với ông và bạn bè cùng trang lứa là niềm vui vô bờ bến, gian khổ chẳng thấm vào đâu.
Hoà bình lập lại, ước mơ về một cây cầu qua sông Ngàn Sâu đã trở thành niềm thôi thúc ông và bà con trong xã khi đưa con đến trường. Thế nhưng, gần 40 năm qua, từ đứa lớn nhất cho đến đứa cuối cùng trong đám con gần chục đứa của vợ chồng ông đều phải lần lượt đến trường trên những chuyến đò ngang. Không thể đổ lỗi cho việc học dang dở của các con là do sông nước cách trở, nhưng cả cuộc đời cày xới kiếm ăn, lão nông tri điền đó những mong đến thế hệ các cháu nội ngoại của mình sẽ không phải đi học bằng đò nữa. Vậy mà…
Ngày đưa đứa cháu nội đầu tiên sang sông khai giảng, cả đêm vợ chồng ông Chiêm không ngủ được khi nghĩ tới những ngày sắp tới, các cháu lại sẽ như ông bà, như bố mẹ nó, ngày ngày "luỵ đò" để đi tìm chữ làm người. Nghĩ quẩn nghĩ quanh, nhớ lại những vụ tai nạn đắm đò hàng chục học sinh chết đuối những năm về trước, trái tim già nua của ông thắt lại vì lo lắng.
Cả cuộc đời ông, chỉ có một ước mơ nhỏ nhoi là được nhìn thấy cây cầu bắc trên dòng Ngàn Sâu. Tuy nhiên, đã gần 40 năm trôi qua, mơ ước ấy xem ra vẫn còn quá xa vời. Nhiều khi ông tự hỏi, chẳng biết sau này khi đã nhắm mắt xuôi tay, liệu nắm xương tàn của ông khi tìm về bên lăng mộ tổ có may mắn được đi trên cầu, hay lại vẫn lênh đênh trên một chuyến đò ngang nào đó???
Đồng chí Hồ Văn Quế cho biết: Từ năm 1972, khi mới tách xã Phương Mỹ, chính quyền và nhân dân địa phương đã đề xuất làm cầu nối qua sông Ngàn Sâu. Cây cầu thiết yếu này dài 127m, rất nhiều lần được cấp trên về khảo sát nhưng mãi đến sau trận lũ quét lịch sử năm 2007, Phương Mỹ bị thiệt hại nặng nề, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh về thăm và có ý kiến chỉ đạo xây dựng cây cầu dân sinh này là cần thiết, nên chuyện làm cầu mới được ngành chức năng thực sư quan tâm.
Tuy nhiên, theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh, nếu làm cầu bê-tông thì phải mất khoảng 37 tỷ, còn nếu làm cầu treo thì cũng phải mất khoảng 25 tỷ. Trước tình hình đó, một phương án xây dựng phà có tay kéo được tính đến. Tuy nhiên, do nơi đây là rốn lũ, khi lũ về, sẽ không có cách gì níu phà lại, thế nên, 2 chiếc phà và 2 cột treo cáp dù đã được mang về nhưng xã đành phải để trống trên bờ. Cây cầu “thai nghén” 40 năm qua vẫn chỉ là cây cầu mơ ước.
Theo 24h.com.vn
Không có nhận xét nào :