Về “rốn lũ” Phương Mỹ (Hương Khê-Hà Tĩnh) nghe chuyện người dân chạy lũ, chứng kiến cảnh các thầy cô giáo “cắm trường” dạy chữ và cảnh từng đoàn trò nhỏ sáng mờ đất đốt đuốc vượt sông đến trường mới cảm nhận hết nỗi gian truân của người dân vùng lũ. Một cây cầu vượt sông “thai nghén” gần bốn chục năm, thi công rồi sửa thiết kế nhiều lần, đến nay vẫn chưa hoàn hình…
Đốt đuốc đến trường khi gà gáy sáng
Những cô cậu học trò vùng lũ hôm nay thuộc lớp đàn em chúng tôi ngày xưa, và con đường đến lớp của các em còn gian truân, cách trở hơn chúng tôi nhiều. Thầy giáo Hồ Sỹ Thông - Hiệu trưởng Trường THCS Phương Mỹ, cho biết, trong tổng số 321 học sinh của thầy, có 70% là giáo dân và hơn 60% các em nhà ở bên kia sông Ngàn Sâu, cách trường từ 3-12km, ngày ngày vượt sông đi bộ đến lớp.
Chừng ấy con người... |
...chung nhau 3 chiếc phao cứu sinh... |
...nhưng vẫn cố chạy cho kịp chuyến! |
Tô Hiến Toàn – học sinh lớp 8B, nhà ở xóm Tân Sơn 2, cách thung lũng Vực Trống thuộc huyện Can Lộc đúng một ngọn núi. Bố mẹ của Toàn cùng những người dân đi xây dựng kinh tế mới lên vùng lam sơn chướng khí, trải gió núi mưa ngàn lập nghiệp đã hơn chục năm nay. Gia đình Toàn có 5 chị em. Bốn chị gái của Toàn đều đã bỏ học khi mới chỉ kịp biết đánh vần và chưa kịp làm thành thạo bốn phép tính. Toàn là “quý tử” nên “Dù phải bán nhà đổi gạo ăn thì mày cũng phải cố kiếm lấy ít cái chữ giắt lưng làm vốn may ra còn có dịp mở mày mở mặt với bàn dân thiên hạ” – bố Toàn bảo thế mỗi khi cu cậu có ý định theo chân các chị rời xa nghiệp bút nghiên.
Mặc dù núi sông cách trở, phải thức giấc đến trường từ 4 giờ sáng và trở về nhà khi đã xế chiều nhưng lũ trẻ vẫn cố bám trường, bám lớp. Phương Mỹ thuộc diện xã nghèo, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng không vì thế mà người dân nơi đây lơ là chuyện học. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường của xã miền núi này thường xuyên duy trì được con số 100%; tỷ lệ lên lớp ở các cấp học đạt từ 96-100%; trên 99% học sinh xếp loại tốt và khá, không có học sinh yếu hạnh kiểm. |
“Cắm trường” gieo chữ nơi vùng lũ!
Khu nhà nội trú cấp 4 của giáo viên Trường THCS Phương Mỹ vốn đã chật hẹp càng trở nên bộn bề sau những ngày ngập lụt. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh và cô giáo Hồng Nhung đang tất bật lau chùi những vật dụng dính đầy bùn đất do nước lũ bám vào. Thanh quê ở Thạch Đài (Thạch Hà), lên đây “cắm” trường đã được 4 năm, còn Nhung quê ở vùng lũ Hương Đô (Hương Khê), vừa mới ra trường được điều về đây công tác. Thanh bảo, 4 năm về đây dạy học, ít nhất mỗi năm cô phải “gồng gánh” tư trang chạy lũ vài lần. Trận lũ lịch sử năm 2007, khu nội trú này bị ngập nước đến tận nóc, còn đợt lũ sau hoàn lưu bão số 9 vừa rồi, nước ngập quá cửa ra vào. Nhà trường phải cho học sinh nghỉ học hơn 1 tuần, nay vừa phải củng cố trường lớp, nơi ăn nghỉ, vừa phải dạy bù cho kịp chương trình.
Khu nội trú giáo viên của Trường THCS Phương Mỹ có 9 phòng, mỗi phòng rộng chừng 15m2 được ngăn đôi bằng vách nứa, mỗi giáo viên “cát cứ” một bên. Từ giường ngủ, bàn soạn giáo án, bếp nấu, nồi, niêu, mắm, muối, đến… tất tần tật mọi thứ tư trang của mỗi người đều được gói gọn trong hơn 7m2 này. “Trưởng lão” của khu nội trú này cả về tuổi đời, tuổi nghề và thâm niên “cắm trường” là thầy giáo Thái Khắc Chính. Thầy Chính quê ở xã Trường Sơn (Đức Thọ), tốt nghiệp cao đẳng sư phạm Hà Tĩnh được điều lên Hương Khê công tác năm 2000 và về nhận công tác ở Phương Mỹ từ năm 2002.
Mọi sinh hoạt của mỗi giáo viên Trường THCS Phương Mỹ chỉ gói gọn trong 7m2 nhà nội trú. |
Trước lúc lên miền núi nhận việc, cũng như bao đồng nghiệp khác, thầy Chính nhận được lời động viên của lãnh đạo ngành, cứ an tâm làm nghĩa vụ, sau 3 năm sẽ được sắp xếp công việc theo nguyện vọng. Trường cách nhà gần bảy chục cây số, vợ cũng là giáo viên dạy học ở quê lại sắp sinh con nên tuần đôi ba lần thầy Chính lại phải “nhót” về quê. “Lương giáo viên ba cọc ba đồng không đủ đổ tiền xăng đi về” – Chính tâm sự. Quá hạn nghĩa vụ đã lâu, mấy lần thầy Chính đệ đơn xin “hợp lý hoá gia đình” nhưng càng hy vọng càng thất vọng, chưa biết đến năm nào “dịp may” mới đến lượt mình!
Gắn bó với khu nội trú chật hẹp của trường là 16 giáo viên trong tổng số 27 cán bộ, giáo viên của trường. Trong số này có 3 thầy, cô đã có gia đình nhưng vẫn phải sống cảnh độc thân, còn lại đều còn rất trẻ, họ đến đây từ mọi miền quê trong tỉnh, gắn bó với mảnh đất này người nhiều đã trên dưới chục năm, người ít cũng đã được vài năm. Do đường sá đi lại quá khó khăn trong khi đồng lương giáo viên quá eo hẹp nên người chăm thì vài tháng về thăm nhà một lần, còn không thì vào dịp nghỉ hè và ngày lễ, tết họ mới đáo về thăm quê.
Phương Mỹ là xã miền núi đặc biệt khó khăn, nguồn nội lực huy động chỉ đáp ứng phục vụ nhu cầu sửa sang trường lớp, muốn nâng cấp hay làm mới cơ sở hạ tầng đều phải trông chờ vào các nguồn dự án hỗ trợ xã nghèo. Từ nguồn vốn dự án, Phương Mỹ xây dựng Trường THCS đạt chuẩn quốc gia từ mấy năm trước, nay đang lâm vào cảnh “nợ tiêu chí”. Nhà trường hiện chưa có phòng học đa năng, còn thiếu phòng đọc và phòng truyền thống. Phòng máy tính của trường được đầu tư nguồn dự án từ năm 2002, dàn máy tính 9 chiếc nhưng đến nay chỉ còn đúng một máy khởi động được!
Cây cầu “thai nghén” gần 40 năm!
Từ năm 1972, khi mới tách xã Phương Mỹ, chính quyền và nhân dân địa phương đã đề xuất làm cầu nối qua sông Ngàn Sâu. Cây cầu thiết yếu này dài 127m, rất nhiều lần được cấp trên về khảo sát và hứa hẹn nhưng mãi đến sau trận lũ quét lịch sử năm 2007, Phương Mỹ bị thiệt hại nặng nề, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh về thăm và có ý kiến chỉ đạo xây dựng cây cầu dân sinh này là cần thiết, nên chuyện làm cầu mới được ngành chức năng quan tâm.
Mấy tấm phà ghép và 2 cột trụ kéo cáp này tiêu tốn của người dân vùng lũ 2 mùa trợ cấp lũ lụt, đang có nguy cơ bỏ phí!
|
Một đề án xây dựng phà kéo cáp tời tay trị giá 1,8 tỷ đồng nhanh chóng được phê duyệt. Bước một gấp rút được triển khai nhờ nguồn vốn hỗ trợ lũ lụt năm 2007, Phương Mỹ được nhận 300 triệu đồng và nguồn hỗ trợ lũ lụt năm 2008 là 100 triệu đồng.
Tổng số tiền ủng hộ hai mùa lũ lụt được đầu tư xây hai cột trụ kéo cáp hai đầu bến đò và thuê phương tiện ra Vinh chở các mảng phà ghép của phà Bến Thuỷ trước đây về Phương Mỹ triển khai ghép phà kéo cáp. Người dân Phương Mỹ khấp khởi trước những tín hiệu khả quan về một chiếc phà đang từng ngày hiện hữu, thì cán bộ Sở GTVT Hà Tĩnh về kiểm tra, hạ lệnh đình chỉ công trình vì “thiết kế không phù hợp!”. Sở này bắt phải thay đổi thiết kế, thay phà kéo cáp bằng cầu phao. Thế nhưng, khi bản thiết kế cầu phao tốn khá nhiều tiền của và giấy mực đưa ra trình duyệt, chính Sở GTVT lại bác bỏ, cho rằng “không khả thi, phải thiết kế lại bằng cầu phao dùng thuyền kéo!”.
Cứ thay đi đổi lại như thế, đến nay, cây cầu nối đôi bờ sông Ngàn Sâu được người dân Phương Mỹ “thai nghén” gần 40 năm nay vẫn chưa hoàn hình. Hai chiếc cột trụ đôi bờ sông cùng mấy tấm phà ghép tiêu tốn của người dân vùng “rốn lũ” tổng số tiền hỗ trợ hai mùa lũ quét vẫn nằm trơ gan cùng tuế nguyệt! Ngày ngày lũ học trò nghèo đến trường và những người dân vẫn phải gồng gánh qua sông trên những chuyến đò chòng chành giữa dòng nước xiết.
Bí thư Đảng uỷ xã Phương Mỹ Trần Hồng Lam, cho biết: Xã Phương Mỹ có gần 3.200 nhân khẩu (70% dân theo đạo Thiên Chúa giáo), sống bám dọc hạ nguồn sông Ngàn Sâu. Trong số 630 hộ dân, có hơn 50% sống ở bờ hữu ngạn, trong khi trụ sở làm việc, trường học, bệnh xá, chợ… đều nằm bên tả ngạn. Nhu cầu giao thương, đi lại sản xuất, học hành… của người dân rất lớn. Là một xã nghèo nhưng mỗi tháng Phương Mỹ phải trích một khoản ngân sách khá lớn chi phí mua thuyền và thuê người chở học sinh và người dân qua sông. Từ năm 1997 lại nay, trên bến sông này đã xẩy ra ba vụ lật đò, làm chết 14 người, chủ yếu là các em học sinh.
|
Tháng 10-2009
VĂN HỌC
Không có nhận xét nào :